Là một thành phố đẹp và thơ mộng bậc nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Thành phố nằm bên bờ sông Maspero hiền hoà. Trong quy hoạch thành phố trực thuộc Trung ương,
tương lai không xa thành phố Sóc Trăng sẽ trở thành quận Bình An.
Một trong những quận giữ vai trò trung tâm chính trị của thành phố Sóc Trăng trực thuộc Trung ương.
TP Sóc Trăng hiện nay bao gồm 10 phường và không có xã ngoại thành.
Về địa danh Sóc Trăng thì có vài truyền thuyết trong đó có ý kiến cho rằng
Sóc Trăng do tiếng khmer đọc trại ra từ chữ "Srok Tréang có nghĩa là "Bãi Sậy" vì ngày xưa đất
Sóc Trăng có nhiều lau sậy hoang vu.
Sóc Trăng nổi tiếng với hệ thống những ngôi chùa rất đẹp,
có lịch sử lâu đời - Nổi tiếng nhất là chùa Dơi đã bị cháy nay đã được phục chế nguyên trạng.
Nhưng sẽ là thiếu nếu đến Sóc Trăng mà không làm một chuyến đến các cù lao có vườn cây xanh tốt,
để được tắm mình trong không khí mát rượi, trong lành, được tận mắt tham quan vườn cây trái suốt bốn mùa.
Ấn tượng ở những khu vườn cây trái trên đất cồn ở Sóc Trăng khá giống nhau, đều mang đến cho du khách cảm giác thư thái sau những giờ phút ngột ngạt nơi phố thị.
Thế nhưng, mỗi nơi đều để lại trong lòng mọi người những dấu ấn riêng về vùng đất và con người nơi đây.
Về huyện Cù Lao Dung - được người dân ở đây ví von như hòn đảo nhỏ - con kình ngư ưỡn mình ra biển, với bao huyền thoại đã đi vào lòng người.
Thú vị nhất là được ngồi trên chiếc vỏ lãi để chiêm ngưỡng rừng bần mút tầm mắt. Bước lên bờ, là vườn cây trái trĩu quả, những bờ rẫy thẳng tắp, báo hiệu mùa bội thu...
Cù Lao Dung có rất nhiều tên gọi như Hổ Châu, Kắc Tung, Cù Lao Giung, Cù Lao Chằng Bè...
Cách đây hàng trăm năm, con sông Ba Thắc (Bassăk) có ba cửa: Định An, Ba Thắc và Trấn Di.
Ngày nay, cửa Ba Thắc được thay bằng Nông trường 30/4 trù phú.
Ở đây, còn có một cái hồ nước trong veo, mà dân bản địa gọi là Đầm Tiên, được bao bọc bởi rừng bần bạt ngàn...
Những năm gần đây, Cù Lao Dung vốn phát triển với nghề làm vườn, còn gây bất ngờ cho du khách khi có một vườn xoài Đài Loan với khoảng 5 chủng loại được trồng độc quyền trên 70 công đất.
Khách đến đây có thể tham quan và đến mùa xoài, có thể đến tận gốc hái trái để có thể tận hưởng hết cái thú vị.
Và có lẽ, đây sẽ là nơi mà mọi người nhớ, bên cạnh những đặc trưng khác khi du khách tìm đến nơi đây.
Cách Cù Lao Dung một con sông, một cù lao khác cũng không kém phần hấp dẫn.
Nếu đi bằng đường bộ, cù lao cách trung tâm huyện Kế Sách khoảng 10 cây số.
Qua phà Nhơn Mỹ chừng 15 phút là cảm giác mát lạnh từ gió sông thổi lồng lộng, cộng với không gian rợp bóng cây xanh chào đón du khách đặt chân lên mảnh đất này. Khoảng 10 loại cây trái được trồng nơi đất phù sa bồi đắp, xanh tốt quanh năm. Nhiều nhất là nhãn, kế đến là vú sữa, sầu riêng, chôm chôm, bòn bon...
Đó là Cù Lao Mỹ Phước (ấp Mỹ Phước, xã Nhơn Mỹ, Kế Sách) có cách nay gần 200 năm, do phù sa sông lắng tụ, bồi đắp. Với diện tích khoảng 1.000 ha, hiện có gần 2 nghìn người dân sinh sống. Bà con ở đây làm giàu từ chính mảnh đất màu mỡ, tốt tươi này. Thời Pháp thuộc, cồn có tên là cồn Công Điền.
Về Mỹ Phước, không chỉ được đắm mình trong những rừng cây rợp lá trên con đường đai xe chạy bon bon, mà còn được thưởng thức những món ăn miệt vườn sông nước. Vậy nên, nơi đây lúc nào cũng có khách du lịch.
Chẳng cần nghỉ qua đêm, trong một ngày là du khách có thể khám phá nhiều điều hay. Nhưng nếu có điều kiện ở lại, người dân ở đây sẵn sàng đãi mọi người một “bữa tiệc” tài tử khó quên.
Rời mảnh đất này để trở lại Quốc lộ 1A, mọi người không thể quên, ghé lại địa danh Vũng Thơm để thưởng thức và mua làm quà đặc sản bánh pía thơm, ngọt, thấm đẫm vị ngọt, tình đất, tình người.
Để tạm lánh xa không khí ồn ào nơi đô thị, “trốn” về với thiên nhiên đang là sự lựa chọn của không ít người. Du lịch xanh không chỉ dân bản địa thích, mà cả khách nước ngoài cũng chuộng. Vậy nên, trong các tour, tuyến du lịch xanh, hành trình về với miệt vườn là không thể thiếu. Trong số những điểm đến đó, có Sóc Trăng với những địa danh trên.